Bắc Giang vốn đã nổi tiếng với những cụm di tích, điểm du lịch độc đáo, trong đó, Cụm di tích Tiên Lục tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang là một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua.
Cụm di tích này bao gồm những công trình kiến trúc cổ kính như đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đền Thánh Cả và đặc biệt là cây Dã hương - "thần mộc" của Việt Nam. Theo truyền thuyết, cây Dã hương đã được vua Lê Cảnh Hưng sắc phong là "Quốc chúa đô mộc dã đại vương", có nghĩa là "cây dã lớn nhất nước Nam". Đến nay, sau hàng nghìn năm vẫn đứng sừng sững, như một minh chứng sống động cho lịch sử và văn hóa của vùng đất này.
Cây Dã hương nghìn năm tuổi được coi là "thần mộc"
Cây Dã hương tọa lạc ngay sau đình Viễn Sơn, uy nghi, cổ kính dáng trực thẳng vươn lên trời xanh, tán cây phủ kín hơn hai sào đất. Theo số liệu khảo sát ghi lại, cây cao hơn 30m, thân cây chỗ có chu vi lớn nhất là 17,4m, có nghĩa là phải tám người lớn nối tay nhau ôm vào thân cây mới hết. Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, cây bị cháy rỗng ruột, khoảng rỗng đó đủ chỗ cho hơn 10 đứa trẻ con chui vào.
Rất may, cây Dã hương đã sớm được Nhà nước và giới khoa học quan tâm bơm hóa chất vào phần rỗng để cứu cây, ngoài ra còn được đổ đất vun gốc lên cao để giữ bộ rễ cây dưới lòng đất, những cành cây to được xây dựng bệ chống đỡ hài hòa với cảnh quan.
Năm 1898, Bộ Văn hoá - Thông tin xếp cây dã hương ở Bắc Giang năm trong quần thể quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hoà, đền Thánh Cả). Đến năm 2012, cây Dã hương được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Những ký ức về cây Dã hương
Ông Hoàng Viết Nên - Thành viên Ban quản lý cụm di tích xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là người trông nom, chăm bẵm cho cây Dã hương. Ông chia sẻ hàng năm chỉ chăm bón một lượt và phải thực hiện theo các quy trình được nhà khoa học hướng dẫn. Đưa phóng viên đi vòng xung quanh cây, ông kể về ý nghĩa sâu xa của việc bảo tồn và giữ gìn Di sản thiên nhiên quý giá này, cứ như thể mỗi lời nói của ông đều chứa đựng cả một vùng đất huyền bí, đầy ắp những ký ức lịch sử và nét văn hóa độc đáo.
Ông Hoàng Viết Nên - Thành viên Ban quản lý cụm di tích xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang
"Những cành gẫy đều gắn liền với sự kiện của đất nước, năm 1945 gãy cành phía Đông Bắc lúc đó Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, đối diện cành cây gãy năm 1945 là năm 1954 cành phía Tây bị gãy gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Nên nói.
Ông chỉ tay vào một vết sẹo khác: "Năm 1964 cành phía Nam bị gãy gắn liền với sự kiện vịnh Bắc Bộ, chiến tranh mở rộng ra miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1975 cành phía Tây bị gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 2006 một cành ở đỉnh ngọn phía Nam bị gãy thì năm đó nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người dân ở đây gọi là cành hội nhập".
Ông Nên như được cuốn vào dòng chảy của lịch sử, kể từng câu chuyện gắn liền với những vết sẹo, những cành gãy của cây Dã hương. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng ký ức về những biến động, thăng trầm của đất nước, nhưng đều kết thúc bằng sự phục hồi, tái sinh đầy hy vọng của cây Dã hương - biểu tượng bền bỉ của vùng đất Tiên Lục.
Bảo tồn và phát huy giá trị "thần mộc"
Cây Dã hương thuộc họ long não là loại cây quý hiếm, có thể sống hàng nghìn năm. Hoa nhỏ, thường nở vào cuối mùa xuân, có màu vàng nhạt. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, có mùi hương đặc trưng.
Để lan tỏa giá trị linh thiêng của cây Dã hương, Ban quản lý di tích đã thuê nghệ nhân chế tác những cành gãy của cây Dã hương thành những món quà nhỏ xinh như tượng, vòng tay,... mang bán cho du khách.
Thân cây to khoảng 8 người ôm
Cây dã hương cổ thụ có dáng bề thế, uy nghi, vỏ cây xù xì, thô ráp, cành lá xum xuê quanh năm
Ngoài ra, chính quyền nơi đây cũng mày mò tìm hiểu và dùng hạt để ươm giống thành công cây Dã hương với mong muốn thần khí của cây ngày càng thịnh vượng trên mọi miền Tổ quốc. Cũng chính vì đó mà đến nay giống cây thần mộc Dã hương Tiên Lục đã được trồng ở nhiều di tích quốc gia như Nghĩa trang Đồng Lộc, Truông Bồn, nhà Bác Hồ ở Kim Liên, khu di tích Pác Bó, Đền Hùng, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Về công tác bảo tồn, phát huy tiềm năng du lịch từ cây Dã hương, ông Nguyễn Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lục cho hay: "Theo quy định quản lý khu di tích đặc biệt đối với cây Dã hương, hàng năm chúng tôi thường xuyên chỉ đạo công tác quản lý. Thứ nhất chăm sóc, vệ sinh, chăm nom bảo quản những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất xung quanh cây Dã hương.
Thứ hai đầu tư làm hàng rào sắt, cổng, khóa cẩn thận bên ngoài và quản lý hàng rà gỗ ở phía trong của cây để du khách đứng từ bên ngoài tham quan, chụp ảnh, tránh leo trèo làm hại đến cây. Thứ ba, tổ chức các hoạt động, lễ hội gắn với cây Dã hương nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị của loài cây này", ông Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lục
Theo ông Lâm, hàng năm cây Dã hương thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng cây dã ngàn năm tuổi này. Mục tiêu đến năm 2025, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang sẽ phát triển du lịch đối với khu vực cây Dã Hương gắn với di tích, các nét văn hóa đặc thù, nhà cổ, nghề mộc (làm nhà cổ); Mở rộng Khu du lịch Khu cây Dã Hương gắn với đình, chùa xã Tiên Lục nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị tâm linh.
Đặc biệt phấn đấu trong năm tới sẽ giải phóng mặt bằng để thực hiện các hạng mục đầu tư xây dựng theo chủ trương của tỉnh, huyện, có hướng dẫn viên chuyên nghiệp thu hút khách tham quan đến cây dã hương nghìn năm tuổi và đình, chùa xã Tiên Lục đạt 8.000-12.000 lượt người; tổng doanh thu từ du lịch từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm.
Nguồn www.nguoiduatin.vn