Sổ liên lạc điện tử: Thu trăm triệu mỗi năm, gửi lèo tèo vài tin nhắn

  • 23/11/2022 11:14:49

App tin nhắn điện tử, app học phí, app học trực tuyến... là một số loại app hiện nay phụ huynh đang phải thường xuyên cài đặt trong điện thoại để theo dõi việc học của con. Nhiều trong số app đó mới chỉ "sinh ra để làm cảnh", đơn cử như tin nhắn điện tử.

 

Sổ liên lạc điện tử: Thu trăm triệu mỗi năm, gửi lèo tèo vài tin nhắn

Tin nhắn lặp lại nội dung khi có hai con cùng học một trường được gửi qua eNetViet

"Tôi thấy dịch vụ tin nhắn điện tử ở trường nên bỏ đi vì không mấy hiệu quả. Những gì mà tin nhắn điện tử đang làm ở trường thì giáo viên chủ nhiệmđều đã làm hết rồi... Số tiền 180.000 đồng/năm không nhiều nhưng không phải chỉ để nhận được vài tin nhắn mỗi năm", anh Đỗ Hoàng Tuyền - phụ huynh học sinh Trường tiểu họcLương Thế Vinh (TP. Thủ Đức) - chia sẻ.

Như để minh chứng cho lời mình nói, anh Tuyền mở điện thoại lên, nói thêm: "Từ đầu năm đến giờ, với cả hai con theo học tại trường tiểu học, tôi nhận được 4 tin nhắn, bao gồm 2 tin nhắn lặp đi lặp lại và 2 tin nhắn riêng biệt với nội dung chung chung. Với hai con cùng học tại trường, nếu dịch vụ tin nhắn lặp lại chung chung như thế thì việc thu 360.000 đồng/năm cho hai bé là quá nhiều".

"Mỗi học sinh là 180.000 đồng/năm, toàn trường có hơn 2.000 học sinh thì số tiền thu được mỗi năm lên gần 400 triệu đồng nhưng chỉ để gửi vài ba tin nhắn mỗi năm cho phụ huynh. Tôi thấy như thế là không phù hợp", anh Tuyền bức xúc.

Trong khi đó, có con đang học tại Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), chị Hồng Nga cho biết, mỗi năm khoản chi phí sổ liên lạc điện tử là 180.000 đồng/học sinh. Cách thức được nhà trường triển khai là kết hợp điện thoại và app. Thông qua app, giáo viên chủ nhiệmthường xuyên đăng tải các hình ảnh hoạt động của lớp, thông báo điểm thi, kết quả học tập của con, nhắn tin riêng cho từng phụ huynh, phụ huynh cũng có thể trao đổi với nhau.

"Nói chung là với tin nhắn điện tử, phụ huynh cũng nắm được thêm các hoạt động ở trường, ở lớp của con, theo dõi được quá trình học của con. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin như hiện nay, lớp nào cũng có các group zalo với giáo viên chủ nhiệm, với phụ huynh thì các hoạt động chung chung trên tin nhắn điện tử là không thực sự cần thiết. Ngoài ra, phần mềm tin nhắn điện tử thì chỉ những phụ huynh rành về công nghệ, có điện thoại thông minh mới thuận tiện để sử dụng", chị Nga nói.

Làm chưa tới thì nên bỏ

Từng là phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chị Thu An kể, suốt những năm con chị học bậc THCS tại trường, nhà trường thu chi phí 200.000 đồng/năm/học sinh với dịch vụ tin nhắn điện tử song một năm học chỉ gửi đến phụ huynh vài tin nhắn chung chung thông báo về các thông tin rất... chung chung.

"Các thông tin này đa phần là thông tin về hoạt động chung của trường, phụ huynh cũng được nhận thông qua giáo viên chủ nhiệm. Vậy thì có cần thiết phải triển khai tin nhắn điện tử không, nếu chỉ để gửi những tin nhắn vô thưởng vô phạt như vậy, trong khi giáo viên chủ nhiệmcũng đã thực hiện rồi...", chị Thu An thắc mắc.

Sổ liên lạc điện tử: Thu trăm triệu mỗi năm, gửi lèo tèo vài tin nhắn

Nội dung trên sổ liên lạc điện tử trùng lắp với nội dung trên group zalo lớp

Theo chị Thu An, nếu nhà trường đã thu tiền của phụ huynh để triển khai app, đã phổ biến đến phụ huynh là chuyển đổi số, giúp phụ huynh nắm các thông tin liên lạc, việc học của con, gắn kết giữa gia đình, nhà trường trong việc cùng chăm lo, giáo dục học sinh thì nhà trường cần phải "làm cho tới" để phụ huynh không có cảm giác là "mình bị lừa".

"Khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm phổ biến về phần mềm tin nhắn điện tử rất hay, phụ huynh thấy số tiền mỗi tháng cũng không nhiều, chỉ vài chục ngàn mà đổi lại có thể nắm bắt việc học mỗi ngày trên lớp của con nên rất ủng hộ. Nhưng sau 4 năm là phụ huynh của trường (hiện nay con chị đã học lớp 10 trường THPT khác), tôi cảm thấy mình như bị lừa. Nếu nhà trường làm chưa tới thì nên bỏ hoặc là cần cải thiện để triển khai đúng mục đích", chị Thu An bày tỏ.

Tương tự, một phụ huynh tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cũng cho hay, việc triển khai tin nhắn điện tử trong nhà trường sẽ là cần thiết và đúng mục tiêu chuyển đổi số nếu cách thức sử dụng của nhà trường, giáo viên khai thác triệt để tính năng của phần mềm, không phải chỉ đưa vào, thu tiền rồi để đó hoặc là làm cho có...

Trường tiểu học 2 năm nay không sử dụng sổ liên lạc điện tửSuốt 2 năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM) không triển khai sổ liên lạc điện tử trong trường, thay vào đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tinqua các ứng dụng miễn phí để trao đổi thông tin với phụ huynh.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng - cho biết, sau nhiều năm triển khai sổ liên lạc điện tử với mức phí 200.000 đồng/học sinh/năm, nhà trường nhận được phản ánh của phụ huynh về việc trùng lắp nội dung và không cần thiết khi thông tin qua sổ liên lạc điện tử cũng là các thông tin giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh học sinh. Sau khi đánh giá lại hiệu quả, 2 năm nay nhà trường đã không còn sử dụng sổ liên lạc điện tử cho phụ huynh, được phụ huynh rất ủng hộ.

"Để thông tin kịp thời đến phụ huynh, trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên chủ nhiệm từng lớp xây dựng group trao đổi đến phụ huynh thông tin, hoạt động của trường, của lớp. Thậm chí, một số thông tin quan trọng giáo viên còn trao đổi đến riêng từng phụ huynh. Đặc biệt, trường triển khai phần mềm quản lý lớp học trong tất cả các lớp để phụ huynh dễ dàng theo dõi việc học của con em mình, đồng thời thuận lợi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, hỗ trợ con em mình học tập...", cô Trần Bé Hồng Hạnh chia sẻ.

Quốc Trung

     

Nguồn www.phunuonline.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Sổ liên lạc điện tử: Thu trăm triệu mỗi năm, gửi lèo tèo vài tin nhắn - Giáo Dục

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều