Hồn đô thị qua tranh

  • 05/09/2022 11:02:30

Hồn đô thị (Phương Nam Books và nhà xuất bản Thế Giới vừa ấn hành) gồm 30 bài tùy bút, được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã được xuất bản từ năm 2014-2018. Ấn bản lần này có bìa và tranh minh họa của họa sĩ Kim Duẩn tái hiện những hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn xưa.

 

Hồn đô thị qua tranh

Tập sách tranh - tùy bút vừa phát hành

Nếu trong những bài tùy bút, Sài Gòn xưa hiện lên với đường Catinat, xóm cổ Đixmude, trường đình có cây đa, hẻm Tô Châu, những con người của Sài Gòn một thuở... thì trong tranh, bạn đọc được nhìn thấy những con đường, hàng quán trong ký ức, những thương hiệu của một thời, sinh hoạt của người dân Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ.

"Khi viết, tôi có dịp ôn lại cuốn phim đời trong tâm trí, vay mượn ký ức của người thân, bạn bè và cả những người trước đó không quen để tái hiện thời đã sống. Tôi thắc mắc thời mình đang là đứa bé chơi banh nhựa ở Phú Nhuận, thì ở muôn vàn khu phố khác trên thành phố này, người ta đang sống ra sao, vui buồn thế nào và mơ ước điều gì? Đó là mong muốn, không đơn thuần là luyến tiếc quá khứ như nhiều người ngộ nhận mà còn từ óc tò mò mãnh liệt" - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận bày tỏ.

Đó cũng là lý do vì sao anh đã viết và gắn bó với đề tài Sài Gòn xưa trong những cuốn sách của mình, suốt những năm qua. Anh tâm tình rằng khi chắp nối những câu chuyện kể của tha nhân, anh đã tìm thấy ngày càng nhiều "mảnh ghép của trò ghép tranh Jigsaw Puzzle chủ đề Sài Gòn - Gia Định xưa" bằng từ ngữ.

Hồn đô thị qua tranh

Hình ảnh xà bông cô Ba được tái hiện trong tác phẩm

Cuộc tái hiện bằng ngôn ngữ của nhà văn rõ ràng, sống động và giàu cảm xúc đến mức lần giở những trang sách, cảm giác như được trở về với Sài Gòn của những năm thập niên 1940-1950. Nhịp sống ngày ấy, từng góc phố, món ăn, sinh hoạt, con người như hiển hiện trong trang viết.

Hồn đô thị một lần nữa cho người đọc phiêu lãng cùng tác giả về một Sài Gòn rất xưa, nhưng cũng là một Sài Gòn rất quen thuộc trong những gánh hàng rong, những quán cà phê vỉa hè, những tiếng rao, những món ăn đường phố từ trong năm tháng nào vẫn còn vương dấu đến năm tháng này. Và vì thế, người viết và người đọc "gặp" nhau ở mạch cảm xúc và tình yêu dành cho mảnh đất này.

Tác giả viết về Sài Gòn xưa ở nhiều khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, âm nhạc, kinh doanh, kiến trúc... Nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận còn cung cấp cho bạn đọc thêm nhiều thông tin thú vị về các địa danh: Hàng Xanh thật ra là Hàng Sanh, khu phố Tây Đề Thám từng là địa chỉ của những tòa soạn báo tư nhân; những tên đường xưa và nay, những địa chỉ nay chỉ còn trong ký ức...

Hồn đô thị qua tranh

Tập tùy bút với những bài viết và tranh minh họa giàu mỹ cảm

"Tìm tòi, lục lọi, giữ gìn ký ức, hình ảnh của Sài Gòn một thời đã qua, trăm năm trước hay mới chỉ vài chục năm trước, soi rọi mình trên dòng sông thời gian, từ đó tìm ra được những giá trị tinh thần, đạo đức của người Sài Gòn - Gia Định một thời là việc cần làm và nên làm. Tìm thấy để tự hào về một nơi từng đáng sống, đã từng sống đàng hoàng, có tình có nghĩa. Từ niềm tự hào đó, chúng ta gắng sống đàng hoàng cho hôm nay và mai sau" - trích bài viếtGiữ tinh thần “dấn thân yêu đời” của người Sài Gòn như những gì tác giả gửi gắm đến những ai đã, đang và sẽ tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương mảnh đất này.

Song Giang

     

Nguồn www.phunuonline.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Hồn đô thị qua tranh - Thư Giãn

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều