Ra rạp từ tối 13/10, Đất rừng phương Nam đến nay thu về hơn 52,6 tỷ đồng nhưng lại có khá nhiều tranh cãi. Nhiều khán giả cho rằng, bộ phim nhiều chi tiết sai lịch sử, trang phục mang màu sắc người Hoa nhiều hơn người Việt, các tình tiết phim giống võ thuật Trung Quốc hơn người Việt xưa…
Sáng 17/10, đại diện nhà phát hành "Đất rừng phương Nam" đã ra thông báo chính thức về một số chi tiết đã chỉnh sửa trong phim. Nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim "Đất phương Nam"” được đưa lên đầu phim. Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920 – 1930) của phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" và phim truyền hình "Đất phương Nam". Thứ 2, bổ sung thêm nội dung cho câu giới thiệu “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước”.
Thứ 3, điều chỉnh cụm từ “Nghĩa Hoà đoàn” thành “Nam Hoà đoàn”, “Thiên Địa hội” thành “Chính Nghĩa hội” trong tất cả các câu thoại liên quan tới hai cụm từ này trong phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam".
Tuy nhiên theo nhiều khán giả, bộ phim đã chỉnh sửa một số nội dung nhưng chưa nhắc đến việc chỉnh sửa một chi tiết gây tranh cãi nhất đó là trang phục của các nhân vật trong “Đất rừng phương nam”.
Trước đó, MV nhạc phim mang tên Bài ca đất phương nam được thể hiện bởi NSƯT Trọng Phúc và có sự hòa giọng của hơn 300 thành viên là ca đoàn, diễn viên của bộ phim cũng gây tranh cãi khi Trấn Thành (đóng vai bác Ba Phi) diện trang phục không thuần Việt mà bị "pha trộn", không truyền tải được nét văn hóa đặc trưng của con người vùng đất Nam bộ - bối cảnh của phim.
Chiếc áo Trấn Thành mặc không sử dụng trong phim nhưng cũng gây tranh cãi vì MV nhạc Phim được cho là hình ảnh của phim.
Nhiều cảnh phim cũng gây tranh cãi khi các diễn viên diện trang phục giống người Hoa. Theo một số khán giả, trang phục của người Việt những năm 1930 có hàng cúc nhỏ, lệch 1 bên hoặc thẳng cài khua chứ hàng cúc không to bản như đặc trưng của người Hoa. Thậm chí, chiếc mũ mà diễn viên Tiến Luật dùng trong phim cũng được cho là không có màu sắc của văn hoá Việt.
Chiếc áo với hàng cúc to bản được cho là mang màu sắc Trung Hoa.
Hình ảnh này khiến khán giả tranh cãi.
Theo nhiều ý kiến, hàng cúc của trang phục Việt những năm 1930 sẽ nhỏ và thanh hơn trang phục của "Đất rừng phương nam".
Tuy nhiên trước đó, chia sẻ về tranh cãi màu sắc Hoa trong phim, nhà làm phim cho biết: "Trong bộ phim Đất rừng phương nam, khán giả sẽ thấy có những yếu tố của người Hoa. Bởi vì miền Tây, với tôi là nơi du nhập rất nhiều văn hóa và là nơi sinh sống của đa dạng các cộng đồng, có người Việt, người Hoa, người Khơ-me… Đó là nét đặc trưng của miền Nam, vùng đất chào đón tất cả mọi người”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng nêu ý kiến riêng: "Trong quan điểm của tôi, phim không mang nhiệm vụ của một quyển sách giáo khoa. Nếu gán cho một bộ phim nhiệm vụ giáo khoa, phục vụ nghiên cứu thì thực sự cũng khó quá. Đoàn phim đã cố gắng hết sức để tái hiện chân thực không khí, cảnh quan, con người, thời trang ở một thời kỳ. Và mọi thứ đều được tham khảo tư liệu, mà tư liệu thì cũng có người nói này, người nói khác. Chúng tôi cố gắng trong khả năng của đoàn phim. Mọi chuyện đều có thể có sai sót. Nhưng tôi cũng không muốn đổ thừa.
Nếu khán giả nhận ra sai sót, chúng tôi thực lòng cảm ơn và sẵn sàng đón nhận, tiếp thu. Trên thế giới chắc cũng hiếm có trường hợp phim nào làm ra mà 100% khán giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa vỗ tay khen: Ô phim này y chang như ngày xưa".
Trước đó, chiều tối ngày 16/10, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục Điện ảnh đã xem xong bản sửa lời thoại được gửi từ phía nhà sản xuất phim "Đất rừng phương Nam".
Theo ông Thành, bản phim sửa lời thoại đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tránh gây hiểu nhầm, liên tưởng.
Phim "Đất rừng phương Nam" lấy cảm hứng từ tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" từng khiến khán giả màn ảnh nhỏ yêu thích khi phát sóng năm 1997.
Phim kể lại hành trình của bé An (Hạo Khang đóng) bơ vơ đi tìm cha sau khi mất mẹ. An gặp được Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và sau đó gặp được cha con ông Tiều (Tiến Luật đóng), bé Xinh (Bảo Ngọc đóng) cùng nhiều người khác.
Tất cả đều bảo bọc, giúp đỡ An. Song song hành trình của An là phong trào yêu nước của nghĩa quân cùng các thành viên hội nhóm kháng Pháp khác…
=> Khám phá kiến trúc xây từ 5 triệu viên ngói cổ của "Vua hài đất Bắc" Xuân Hinh
Minh Phương
Nguồn giadinhonline.vn