Từ năm 2016-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp và trực tiếp kiểm tra hơn 140 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính nhiều đơn vị với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Kiểm tra hàng trăm đơn vị khai thác khoáng sản, xử phạt hơn 6 tỷ đồng
Tỉnh sở hữu nhiều mỏ khoáng sản với chủng loại, trữ lượng khác nhau.Để đảm bảo khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch, đảm bảo an toàn, tránh tác động lớn đến môi trường và hạn chế thất thoát tài sản, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng siết chặt công tác cấp phép, quản lý, kiểm soát khai thác khoáng sản.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã siết chặt công tác cấp phép, quản lý, kiểm soát khai thác khoáng sản.
Tại văn bản số 3193/STNMT-VP ngày 27/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo quy định, tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thỏa mãn các điều kiện: Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch khoáng sản...; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 71 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Trong đó, có 48 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, 2 giấy phép khai thác sét sản xuất gạch, 21 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Hầu hết các mỏ khoáng sản được cấp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực.
Việc UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền, có sự phối hợp thống nhất giữa UBND các cấp và các ngành có liên quan. Do đó, đã chủ động trong việc xem xét thẩm định hồ sơ, giải quyết đúng trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.
Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền, có sự phối hợp thống nhất giữa UBND các cấp và các ngành có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có khu vực nào được cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá. Nguyên nhân do thời điểm năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đưa ra 16 khu vực đấu giá.
Cụ thể, 7 khu vực đá vật liệu xây dựng thông thường; sét sản xuất gạch, ngói 5 khu vực; cát làm vật liệu xây dựng thông thường 2 khu vực; đất cấp phổi để san lấp công trình 2 khu vực. Tuy nhiên, do Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá khoáng sản đang còn nhiều điểm bất cập so với Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Vì vậy, khi tiến hành triển khai thực hiện gặp khó khăn.
Mặt khác, các tổ chức tham gia đấu giá, sau khi trúng đấu giá phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất để khai thác khoáng sản, nhưng việc thỏa thuận không thành, không thể triển khai dự án khai thác khoáng sản.
Đến ngày 23/9/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đưa ra 48 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, diện tích 304,61ha. Cụ thể, 22 khu vực đất san lấp; 13 khu vực sét gạch ngói; 12 khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 1 khu vực than bùn.
Để tổ chức đấu giá 48 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn nêu trên, ngày 27/12/2023, UBND tỉnh phê duyệt đề cương Dự toán kinh phí thực hiện đánh giá sơ bộ tiềm năng khoáng sản các vùng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai hồ sơ mời thầu gói thầu dự toán mua sắm đánh giá sơ bộ tiềm năng khoáng sản các vùng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản.
Qua đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ, quyền hạn, quy định trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý bảo vệ khoáng sản, quản lý tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện các văn bản của UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về việc lắp đặt sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 10 ngày 15/5/2018 quy chế phối hợp trong công tác thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 2366 ngày 27/9/2018 phê duyệt đề án Nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Quá trình thực hiện, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn chủ động phối hợp trong việc xác định sản lượng khai thác theo hồ sơ khai thuế hàng năm đối với từng mỏ đã được cấp phép; tình hình chấp hành nghĩa vụ tài chính như nợ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác và các nghĩa vụ tài chính khác,…
Để đảm bảo việc kê khai tính thuế tài nguyên, giám sát khối lượng khoáng sản nguyên khai qua trạm cân, camera giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về việc lắp đặt sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế, cập nhật thông tin số liệu, lưu trữ đầy đủ thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản cũng được đẩy mạnh, tăng cường.
Theo đó, từ năm 2016-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp và trực tiếp kiểm tra hơn 140 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính nhiều đơn vị, với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Công an các huyện kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khởi tố 1 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Lắk vào năm 2019.
Ngoài ra, UBND các huyện cũng tổ chức kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại địa phương quản lý. Cụ thể, năm 2021, UBND huyện M’Drắk đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khoánh sản; kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đất, đá, cát, vàng...). Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính về khai thác trái phép 5 đối tượng, với số tiền là 20,5 triệu đồng.
Cũng trong năm 2021, tại huyện Krông Ana đã xử lý 15 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 40 triệu đồng. Trên địa bàn huyện Krông Bông phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản đối với 9 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước hơn 24 triệu đồng.
Khánh Ngọc
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời
Nguồn www.nguoiduatin.vn